Tổng tiền tạm tính:
[tintuc]
Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), dự án Nhà máy nước Sông Đuống được đánh giá là "đắt đỏ" hơn khá nhiều so với vốn đầu tư ban đầu của các nhà máy khác do phải lắp đặt hệ thống truyền dẫn "khủng" qua 3 con sông.
Nhấn để phóng to ảnh
Nhà máy nước mặt sông Đuống có vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng.
Ngày 5/9 tới, Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống sẽ khánh thành giai đoạn 1 với tổng công suất 300.000 m3/ngày đêm. Nhà máy có quy mô gần 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm). Dự kiến đến năm 2023 sẽ đạt công suất 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 3/6/2016.
Đáng lưu ý, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), dự án được đánh giá là "đắt đỏ" hơn khá nhiều so với vốn đầu tư ban đầu của các nhà máy khác. Đơn cử như nhà máy nước Sông Đà được đầu tư 10 năm trước với vốn đầu tư chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng, công suất 300.000m3/ngày đêm.
Lý giải về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty nước mặt Sông Đuống, bà Đỗ Liên cho biết, hiện tại, các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt Việt Nam có 2 loại, cung cấp từ nước ngầm và cung cấp từ nước mặt, trong đó, xử lý từ nước ngầm chiếm đến 70%. Trong khi đó, Nhà máy nước sông Đuống sử dụng kỹ thuật xử lý nước mặt hiện đại từ châu Âu.
Theo bà Liên, Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống việc phải lắp đặt hệ thống truyền dẫn qua 3 con sông cũng thách thức lớn khiến suất đầu tư cao. Trong đó, sông nhỏ nhất là sông Bắc Hưng Hải, tới sông Đuống với chiều rộng hơn 200m, chiều sâu khoảng 15-20m, lòng sông Hồng dù chỉ sâu 10m nhưng rộng 0,5 km là thách thức kỹ thuật khiến các nhà đầu tư trước đây “nản lòng”.
"Chúng tôi phải khắc phục điều này thông qua đầu tư đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật từ Đức để xử lý thành công việc nối thông tuyến các bờ sông lại. Bằng cách, mở các kênh hở ở sâu bên dưới lòng sông Đuống, sông Hồng 6m, sau đó hạ chìm toàn bộ hệ thống đường ống dưới lòng sông", bà Liên nói.
Theo bà Liên, toàn bộ hệ thống đường ống này được thiết kế phù hợp với địa hình từng khu vực, có khi là ống gang, có khi ống thép nhập từ Thái Lan, UAE và một số nước châu Á, có cả Trung Quốc. Hệ thống đường ống khổng lồ có đường kính rộng tới 1,8 mét.
"Việc kết nối các lòng sông chúng tôi còn đảm bảo hệ thống ống an toàn gấp hai lần. Điều này gây phát sinh chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, có tới 60% nguồn vốn được sử dụng là vốn huy động, do đó, doanh nghiệp thực sự cũng đang phải “gồng mình”, bà Liên cho biết thêm.
Trước đó, trao đổi với báo chí, đại diện của Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng từng cho biết, chính việc phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện như vậy đã khiến cho giá của mỗi mét khối nước lên tới 10.264 đồng.